Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2: Người dân không được chủ quan khi dịch vẫn còn phức tạp

VHO- GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5, biến thể được cho là có sự lây nhiễm rất cao. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dân chủ quan, không tiêm chủng để phòng dịch.

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2: Người dân không được chủ quan khi dịch vẫn còn phức tạp - Anh 1

Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm mũi 4 cho người dân Ảnh: DUY TUÂN

Ông Lân cho biết, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy chủng BA.4, BA.5 có sự lây lan nhanh hơn so với chủng BA.1, BA.2. Số ca nhiễm tại Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng qua với hơn 130 nghìn ca mắc, 63 ca tử vong. Tỷ lệ chết trên số ca mắc thấp, khoảng 0,05%.

Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng

Trong đó, khu vực phía Bắc ghi nhận hơn 106 nghìn ca mắc, cao gấp 10 lần miền Nam và đứng thứ 3 là miền trung 8.890 ca mắc. Đặc biệt, những ngày gần đây, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước với số ca mắc gần 200 ca, số ca mắc vẫn đang tăng hằng ngày. Kết quả xét nghiệm ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy các biến thể virus chủ yếu là chủng BA.2, chủng có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, qua tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nơi có nguy cơ cao để lấy mẫu giải trình tự gene phát hiện Việt Nam có xâm nhập chủng biến thể Omicron với nhánh phụ là BA.5.

Bà Sorroco Escalante, Quyền trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 kéo dài, dịch có thể diễn biến phức tạp và gia tăng trở lại. Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây truyền là đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được bảo vệ thông qua việc tiêm chủng bằng cách hoàn thành tiêm đợt chính và tiêm liều nhắc lại. “Đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành và các ca bệnh đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới. Trên toàn cầu, mặc dù các trường hợp được báo cáo và tử vong do Covid-19 tiếp tục giảm, nhưng vẫn có hơn 3 triệu trường hợp mắc mới và hơn 7.000 trường hợp tử vong mới xảy ra trong tuần trước. Nguyên nhân sự sụt giảm về số trường hợp mắc và tử vong này cần được xem xét một cách thận trọng. Nhiều quốc gia đã giảm việc xét nghiệm, do đó làm giảm số trường hợp được báo cáo. Tuy nhiên, theo ghi nhận trong tuần từ ngày 13 - 19.6.2022, số ca mắc mới hằng tuần tăng lên 46% ở Khu vực Đông Nam Á. 45% ở khu vực Đông Địa Trung Hải và 6% ở khu vực châu Âu, và 3 khu vực khác có số mắc giảm”, bà Sorroco Escalante cho hay.

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Người dân phải ký cam kết

Liên quan đến việc người dân phải ký cam kết khi không đồng ý tiêm nhắc lại mũi vắc xin Covid-19, ông Phan Trọng Lân lý giải, việc tiêm vắc xin là yêu cầu của phòng chống dịch, người dân cần đi tiêm đúng lịch. “Ký cam kết thể hiện chúng ta đặt cao hơn nữa vai trò của mình trong công tác phòng chống dịch Covid -19 trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm của các bên là cần thiết”, ông Lân khẳng định. Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường. Nước ta trải qua 5 đợt dịch, trong đó chủng Omicron có đến 5 biến thể phụ. Từ tháng 9.2021 khi xuất hiện biến chủng Delta lây lan nhanh nhưng được kiểm soát và chúng ta nghĩ đến kịch bản xem Covid-19 như bệnh lưu hành; nhưng tháng 11, biến chủng Omicron xuất hiện lây lan quá nhanh; và hiện nay là biến thể BA4, BA5 hiện nay còn lây lan nhanh hơn. “Thông điệp Tổ chức Y tế thế giới rất rõ, nơi nào chưa an toàn có nghĩa là vùng đó chưa tiêm chủng vắc xin và có nguy cơ lây nhiễm và kết hợp trở thành biến thể mới. Một điều chúng ta thấy dù biến chủng khác nhau nhưng nếu được tiêm vắc xin vẫn có thể đáp ứng với dịch là giảm bệnh nặng và tử vong”, ông Lân khẳng định.

Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay nhiều người dân khi đã tiêm xong liều cơ bản, sau đó có mắc Covid-19 và chủ quan không tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, thực tế kháng thể sau mắc Covid-19 sẽ kéo dài 10 – 14 tuần cho nên vẫn cần phải tiêm mũi nhắc lại 3, 4. “Do người dân chưa hiểu đầy đủ, chưa tích cực tham gia tiêm, nhiều người dân không đi tiêm theo kế hoạch, nhân viên y tế, cán bộ phường gửi giấy mời tận nơi nhưng họ từ chối tiêm. Dù vậy, không có chuyện dư thừa vắc xin vì tỉ lệ hao hụt vắc xin áp dụng cho tất cả các quốc gia là 10%... Hiện chúng ta còn 15 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 có hạn sử dụng từ tháng 7 đến tháng 10. Nếu chúng ta không sử dụng hiệu quả vắc xin sẵn có sẽ gây lãng phí, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta tiêm đủ liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên với tỉ lệ bao phủ 90% thì lượng vắc xin thậm chí phải bổ sung thêm. Việc người dân không tiêm mũi nhắc lại, dịch hoàn toàn có thể quay trở lại”, bà Hồng nói.

Hiện nay, Việt Nam đã trở lại các hoạt động trong điều kiện bình thường mới, để có được điều này thì thực hiện thành công chiến lược tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được công nhận là bệnh lưu hành, vẫn còn nhiều biến chủng với diễn biến khôn lường thì việc tuân thủ phòng dịch, tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản, nhắc lại, bổ sung đầy đủ là điều cần thiết để duy trì cuộc sống, làm việc, học tập, phát triển kinh tế ở trạng thái bình thường mới. 

 Ký cam kết thể hiện chúng ta đặt cao hơn nữa vai trò của mình trong công tác phòng chống dịch Covid -19 trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm của các bên là cần thiết.

(GS.TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng)

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc